Người Sài Gòn tử tế: Thầy Hai của bệnh nhân nghèo

nguoi-saigon-tu-te-thay-Hai-cua-benh-nhan-ngheo

Từng thoát chết trong gang tấc ở chiến trường Campuchia, trở về, người cựu chiến binh ấy đã ra tay chữa trị miễn phí cho bệnh nhân nghèo suốt 30 năm qua.

Căn nhà lợp ngói đơn sơ của ông Võ Văn Tâm, thương binh hạng 4/4 (ấp Trung Đông 2, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn), luôn đông người địa phương và các tỉnh xa xôi tìm đến để chữa đau khớp, bong gân, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, quai bị…

Không biết lấy gì đền đáp…

Hỏi đường vào nhà ông Tâm, ông Võ Văn Tuấn, 43 tuổi, ngụ cùng ấp hồ hởi nói: “Người dân xung quanh đây ai cũng gọi ông là thầy Hai. Thầy chữa bệnh mát tay lắm, người nghèo khắp nơi đều được nhờ”. Ông Tuấn cho biết mình mới bị té xe, bong gân chân, đến nhờ thầy bó chưa đầy một tuần mà thấy êm. Thầy chữa bệnh miễn phí cho các cụ già, người nghèo khó khăn.

Chiếc xe máy đỗ xịch trước cửa hông nhà ông Tâm, bà Võ Thị Chiều, 83 tuổi được người cháu ngoại dìu xuống, lê bàn chân sưng phù khó nhọc. “Hôm qua, bà còn không bước nổi nữa nhưng nhờ thầy bó thuốc được một hôm, bà đã cử động được rồi” – người cháu ngoại nói. Thấy bà cụ già yếu phải chờ đợi đến lượt, ông Tâm ái ngại lên tiếng cho bà được chữa trước, mọi người đều vui vẻ gật đầu. Lúc ra về, bà lọ mọ mở túi áo để lấy tiền trả, vợ thầy thấy vậy khoát tay từ chối…

Mỗi lần nhắc đến thầy Hai là bà Nguyễn Thị An, 76 tuổi, ở xã Bà Điểm, Hóc Môn lại xúc động. “Tôi thọ ơn thầy nhiều lắm, năm tháng liền thầy đắp thuốc cho tôi mà không chịu lấy đồng nào. Thầy còn tặng tôi 10 kg gạo ăn tết. Nếu không có thầy, chắc tôi đã liệt rồi”. Bà An bị mù, ở với người em gái cũng trên 70 tuổi, sống lay lắt nhờ đồng lương hưu ít ỏi của người em. Cách đây ba năm, bà An bị thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm hành hạ nhưng chạy chữa nhiều nơi không đỡ.

Sáu năm trước, sau tai nạn giao thông, chị Nguyễn Thị Như Lan, ngụ quận Thủ Đức bị liệt nằm một chỗ đến ba năm, chạy chữa vô phương dù tiền bạc cứ lần lượt đội nón ra đi. Tình cờ chị biết đến thầy Hai và tìm đến. “Chữa được hai năm thì tôi đi lại được, thấy hoàn cảnh hai vợ chồng ở nhà trọ chật vật nên thầy không nhận tiền. Thiệt không biết lấy gì để đền đáp…” – chị Lan xúc động bỏ lửng câu nói. Giờ đây gia đình chị Lan đã có thêm một thành viên nhỏ, tất bật với niềm vui mới nhưng chị vẫn luôn nhớ đến ân nhân.

Chữa bệnh sau giờ đồng áng

Giờ nghỉ trưa, ông Tâm hồi tưởng lại quãng thời gian hơn 30 năm trước. Năm 1980, ông đăng ký tình nguyện chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Trong một lần vướng mìn phục kích của địch, mặt và thân thể ông bị miểng văng kín nhưng may mắn thoát chết. Từ lúc đó ông nguyện sẽ làm từ thiện giúp đỡ bà con. Nghe tiếng nhà sư người Campuchia ở trên núi cao chữa bệnh cứu người rất hay, ông leo lên núi xin làm học trò học cách sư bắt kinh mạch, làm thuốc.

Năm 1985, ông xuất ngũ về quê rồi bén duyên cùng bà xã Bùi Thị Phải người cùng xã với tài sản cầu hôn là căn nhà lá lụp xụp, mưa dột tứ bề. Ngày ngày hai vợ chồng trồng lúa, bầu, nuôi bò… duy trì cuộc sống. Chật vật là thế nhưng ông Tâm vẫn lặn lội lên các vùng rừng núi ở Bình Dương, Đồng Nai để tìm lá thuốc Nam về phơi khô rồi sao lên. Vị thuốc nào không có ông lại tự bỏ tiền túi ra mua.

Cứ chiều tối sau giờ đồng áng về, người thương binh chân lấm tay bùn ấy lại bắt tay chữa bệnh cho người dân. Tiếng lành đồn xa, dân từ các nơi khác cũng tìm đến. Dần dần, bệnh nhân đến đông hơn, ông phải làm việc quần quật cả ngày từ sáng sớm đến hơn 10 giờ đêm, gánh nặng mưu sinh lại đè lên đôi vai người vợ tảo tần. Bà Phải thoăn thoắt tay rải thuốc lên gạc phụ chồng tâm sự: “Ổng làm việc thiện nên tôi gánh vai trụ cột cũng không có là gì cả. May là các con của chúng tôi giờ cũng lớn và phụ việc cho cha được rồi. Có đứa thấy muốn theo gót cha nên đang học điều dưỡng ở ĐH Y khoa”.

Chốc chốc bà chạy ra dọn chuồng, cho ba con bò sữa ăn. Mấy hôm trước, một con bò mẹ sinh khó nên đã chết làm bà tiếc đứt ruột vì nguồn vốn vay nông dân để mua bò vẫn chưa trả hết.

Bạn biết không, ông Tâm mới học đến lớp 9, vậy nhưng đã có không biết bao nhiêu người kính trọng gọi ông bằng thầy. Ông luôn khiêm tốn, chỉ tâm niệm rằng ở đời ai cũng ít nhất chịu ơn một lần, có nhận thì có trả là lẽ thường tình. Chỉ riêng việc được tặng căn nhà tình nghĩa mà gia đình đang nương náu, vợ chồng ông cũng thấy nặng lòng vì biết đâu ngôi nhà đó có được từ tiền thuế của hàng trăm người dân. Một xã hội mà ai cũng nghĩ và làm được như ông thì còn gì bằng!

Chia sẻ ngay trên các MXH sau để tạo tín hiệu tốt cho bài viết :)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *