Người Sài Gòn tử tế: Phụ nữ chạy xe ôm, làm từ thiện

nguoi-sai-gon-tu-te-phu-nu-chay-xe-om-lam-tu-thien

Chị để dành tiền mổ mắt cho các cụ già, chăm chút từng phần ăn mang đến cho những người nghèo, xây những cây cầu cho lũ trẻ đi học khỏi bị chết đuối.

Thường ngày, vào đầu giờ sáng chị Phạm Thị Hồng Lan đã chạy được vài cuốc xe ôm. Nhưng hôm nay là ngày cuối tuần, chị lại dành thời gian để lo cho bệnh nhân nghèo. Cứ hai tuần một lần, nhóm từ thiện Từ Tâm Nhân Ái do chị Lan thành lập lại tổ chức nấu cơm để phát cho các bệnh viện trong thành phố. Hoạt động duy trì đều đặn nhờ cả khu phố tiếp sức.

Cả xóm cùng nấu cơm

Một lần, chị Lan vào BV Ung bướu thấy các bệnh nhân ở tỉnh đến điều trị dài ngày mà không đủ tiền ăn, chị xót xa và nảy ra ý tưởng nấu cơm phát cho họ. Vậy là từ năm 2011 đến nay, khói bếp từ nhà chị bay lên đều đặn mỗi tuần để có những bữa cơm ngon cho bệnh nhân nghèo.

Chưa đầy 3 giờ 30 sáng 26-10, căn nhà nhỏ của chị Phạm Thị Hồng Lan (C16 Phan Huy Ích, khu phố 12, phường 15, quận Tân Bình) đã sáng đèn. Thoăn thoắt gọt su hào, bạn Phạm Minh Hiếu, nhà ở quận 8, hiện làm việc tại Công ty Dược Phong Phú cho biết: “Hôm nay tụi em chuẩn bị 200 phần cơm chay để mang đến cho BV Nhi đồng 2. Mình theo chị Lan được ba năm vì thấy chị không khá giả mấy nhưng luôn san sẻ với người nghèo. Mình nhớ trong một lần vào chiến khu D ở huyện Định Quán, Đồng Nai tặng quà, chị gặp một phụ nữ mắc bệnh ung thư xin quá giang xuống thành phố chữa bệnh. Chị hỏi han và biết hoàn cảnh người ta khổ nên mời về nhà lo ăn uống, vận động chữa trị cho”. Tối hôm trước, Hiếu đã đến nhà chị Lan ngủ lại để sáng nay kịp dậy chuẩn bị thức ăn.

Làm cho một căn tin trường tiểu học ở tận Bến Tre nhưng anh Đoàn Văn Khôi vẫn chạy xe máy lên thành phố phụ chị Lan vào dịp cuối tuần. Anh Khôi nói: “Tôi quen biết Lan từ lâu. Mấy năm trước, Lan bàn với tôi ý tưởng lập hội nấu cơm, tôi rất ủng hộ. Ban đầu hội chỉ có tôi và Lan, dần dà các bạn sinh viên và nhiều người khác tranh thủ thời gian rảnh tới tham gia mỗi ngày một đông, giờ đã hơn 20 người”.

Trời càng về sáng, chị em trong khu phố đến nhà chị Lan càng đông. Phần cơm cứ vơi rồi lại đầy nhờ các chị lần lượt mang cơm đã nấu sẵn đến ủng hộ. Khệ nệ bưng một thùng dầu 12 lít đến, chị Liên tươi cười: “Ai chứ chị Lan vận động là chúng tôi luôn sẵn sàng. Ở xóm này ai cũng đóng góp ít nhiều cả”. Chị Hoàng góp chuyện: “Mấy năm trước tui không có tiền cho con đi học cao đẳng, chị Lan đã lấy uy tín của mình để thuyết phục người ta cho tui vay. Mỗi lần đi đâu gặp những gia cảnh bi đát, tui về kể với chị Lan, chị đều tìm cách giúp đỡ. Ngược lại, mỗi lần chị Lan ngỏ lời phụ giúp ai, tụi tui đều nghĩ cách để giúp họ. Thời gian đầu nấu cơm, chị Lan đến từng nhà để gọi mọi người dậy vì sợ ngủ quên, sau này ai cũng đã quen nên đỡ cực cho chị ấy hơn”.

8 giờ, tất cả công đoạn đã hoàn tất. Chiếc xe tải của anh hàng xóm Đình Toàn đến chở thành quả của cả xóm đi khuất, mang theo những ánh nhìn ấm áp của mọi người.

Người nghèo biết chia sẻ

Công việc hằng ngày của chị Lan là chạy xe ôm. Số điện thoại của chị đã trở thành địa chỉ thường trực của khu phố và các quận lân cận.

Khác với những bác tài tranh thủ chạy vào ngày lễ, ngày cuối tuần, chị bớt xén thời gian đó để nấu cơm, tặng quà cho bà con nghèo. “Con tôi đã đi làm và còn cho tiền mẹ nữa nên tiền tôi làm ra nhàn rỗi lắm. Mỗi tháng, chức tổ trưởng tổ dân phố của tôi được gần 200.000 đồng, chức chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ khu phố được 200.000 đồng, vị chi là gần 400.000 đồng” – chị tính chi ly. Số tiền này và tất cả khoản thu từ việc chạy xe ôm chị đều đắp vào những lần đi từ thiện hết.

Có lần trong giờ nghỉ ngơi chờ khách, chị đọc báo thấy thông tin có cháu bé người dân tộc bị bỏng nặng đang điều trị tại BV Nhi đồng 1 nên chạy thẳng đến cho tiền. Người nhà của bé từ chối và nói rằng gia đình đã nhận đến 200 triệu đồng, như vậy là đã nhận quá nhiều từ những tấm lòng hảo tâm ở đất Sài thành này. Họ khuyên chị hỗ trợ cho một cháu bé bị tai nạn bể xương nằm cùng phòng. Cho tiền xong, chị ra về mà thấy lòng ấm áp mãi vì người nghèo biết chia sẻ nhau.

Cảm giác ấm áp đó vẫn thường trực trong chị từ mỗi chuyến đi từ thiện. Như lần đi trao cây cầu Kinh Đất Đỏ cho người dân xã Bình Thạnh, huyện Thạnh Phú, Bến Tre vào năm ngoái, những giọt nước mắt của người dân trong xã khi đón nhận cây cầu cứ len lỏi trong chị một nguồn hạnh phúc khó tả. Nhận cầu xong, đại diện người dân nói từ nay con em họ được đi học an toàn và làm cơm thết đãi nhưng vì cơn bão ập đến nên chị tất tả chia tay để về tránh bão, nhiều người lại một lần nữa không cầm được nước mắt.

Chị nói càng đi nhiều càng thấy nhiều người rất cần sự đùm bọc của đồng loại biết bao, chỉ tiếc là sức mình thì có hạn. Nhiều trường hợp chưa kịp giúp đỡ thì họ đã lìa đời.

Năm 1993, xúc động trước nghĩa cử của những người hiến xác cho y học tại buổi lễ tri ân của ĐH Y Dược, thế là chị đăng ký luôn rồi mới xin ý kiến ông xã. “Biết đâu bác sĩ lại tìm ra cách chữa nhiều căn bệnh khó nhờ chị, em nhỉ. Cuộc sống thật là ngắn ngủi, đua chen ích kỷ làm gì cho mệt, rốt cục chết cũng có mang theo vàng bạc, châu báu được đâu” – chị nói. Từ quan niệm sống như vậy mà những hoạt động từ thiện cứ lôi cuốn chị đi không mệt mỏi mấy năm qua.

Chia sẻ ngay trên các MXH sau để tạo tín hiệu tốt cho bài viết :)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *