Đất và tình người Sài Gòn – ấm lắm!

dat-va-tinh-nguoi-sai-gon

 Là người con gái gốc Bắc, nhưng tôi lại được sinh ra ở cái đất miền Nam dung dị. Rồi cũng chính mảnh đất Sài Gòn từng được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông (nay là Tp. HCM) đã gắn với quá trình lớn lên và trưởng thành của tôi. Đó là khoảng thời gian tôi cảm nhận được đất và cái tình của con người nơi đây qua những cơn sóng gió.

Giữa cơn bộc phát căn bệnh dịch Corona với mức độ lây lan dễ dàng, nguy hiểm và chưa có biện pháp điều trị hữu hiệu, Tổ chức Y tế Thế giới WHO, hôm 31/01/2020, tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu..

Và tại Việt Nam, các Bộ, Ngành từ Trung ương đến từng địa phương đã và đang đưa ra nhiều biện pháp để tuyên truyền cảnh báo, phòng và chống căn bệnh dịch thế kỷ Corona.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ thị bằng văn bản số 31 yêu cầu các cơ sở y tế và các Bộ, ngành có liên quan phải tích cực, khẩn trương đối phó, ngăn chặn sự lây nhiễm trong cộng đồng. Trong đó, có cả việc kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu như khẩu trang – là dụng cụ phòng chống lây nhiễm hữu hiệu nhất trong thời điểm hiện nay.

Cũng chính vì là dụng cụ hữu hiệu nhất nên không ít địa phương để xảy ra hiện tượng lợi dụng để gom hàng, đẩy giá lên gấp nhiều lần. Thế nhưng tại Sài Gòn, tình người và cả trách nhiệm xã hội đang được ca ngợi với những hình ảnh đẹp trong việc chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng đang được đăng tải rộng rãi trên mạng xã hội.

Đến lúc này, tôi cảm nhận Sài Gòn như một “bà mẹ” nhân hậu, cưu mang tất cả những đứa con dù mình không hề sinh ra nó, mảnh đất này đã dung nạp và bao dung, nhân hậu. Mỗi khi khó khăn, lại thấy ở khắp mọi nơi những hình ảnh đẹp của con người nơi đây luôn sẻ chia từ ổ bánh mì, viên thuốc cảm, đến ly trà đá hay hộp cơm…

Anh Đỗ Văn Úc ở quận Phú Nhuận chia sẻ, tuy Sài Gòn sang trọng vậy đấy, cái chất của người Sài Gòn vẫn luôn dung dị, khoáng đạt nên đã không ít người dân ở các tỉnh xa đến lập nghiệp. Cuộc sống mưu sinh của họ còn nhiều thứ phải lo toan. Nên thôi, giúp gì được thì mình giúp và như vậy thấy cuộc sống của mình thêm ý nghĩa. Bởi vậy, giữa cái góc phố nho nhỏ ở hẻm 96, anh đã không chỉ hỗ trợ thùng nước miễn phí, vá xe miễn phí cho người khuyết tật, người nghèo, mà anh còn có cả tủ thuốc từ thiện cho những ai cần đến. 

Người Sài Gòn như thế, nên ai đến đây cũng luôn mong mình ở lại và trở thành một phần không thể thiếu của mảnh đất này. Một nữ đồng nghiệp và cũng là bạn tôi sau khi làm người con của ”Mẹ Sài Gòn” đã phải thốt lên “Người Sài Gòn ấm áp và đẹp đến lạ!”

Vậy nên, chẳng có gì ngạc nhiên, khi giữa cơn bão của bệnh dịch corona hoành hành, trên nhiều đường phố tại Tp. HCM, chúng ta dễ dàng nhìn thấy hình ảnh của các bạn trẻ và cả người lớn ngồi, đứng ở bất cứ đâu, từ cột vỉa hè, công viên, góc phố, cột điện … dãi nắng và gió bụi chỉ để phát khẩu trang miễn phí,

Còn trên mạng xã hội, người người chia sẻ những địa chỉ phát khẩu trang và cả những việc “thông báo” hãy cùng tôi “làm trách nhiệm của cộng đồng” để mọi người cùng nhau chung sức, để ai ai cũng có thể có cho mình một chiếc khẩu trang từ lòng nhân ái yêu thương của người Tp. HCM vốn có.

Facebookcer Nga Le đã viết khi chia sẻ những địa đểm phát khẩu trang miễn phí trên tường của mình như sau “Mình cập nhật thêm vài địa điểm nữa. Nếu còn đủ khả năng, mình sẽ san sẻ lại cho người khó khăn hơn, nếu lấy thì lấy vừa đủ, để dành cho người khác nữa nhé”.

Còn nickname Banh Thao cho biết, hôm nay bạn đã phát hết 5.000 chiếc khẩu trang, tối ngày 3/2 sẽ có thêm 250.000 chiếc để bắt đầu phát từ 9h – 19h ngày 4/3. “Các bạn muốn làm từ thiện ở các tỉnh xa, mình sẽ share lại cho mỗi đoàn một ít” và bạn cũng khuyến cáo “để tránh rơi vào tay kẻ xấu, mình sẽ chỉ lựa chọn những bạn có facebook thật”.

Sau khi thấy những hình ảnh đẹp đó, nickname Phuong Nguyenvan viết “Sài Gòn đẹp lắm”. Nickname Loi Nguyenvan viết “Thêm một tấm lòng nhân ái”. Nickname Nguyen Tam viết “Sài Gòn họ là vậy đó”. Nick Trinh Trinh có vẻ hảo sảng hơn trong comment của mình “Dư âm mùa Xuân vẫn còn…”

Thế đó, để nói về người Sài Gòn hay muốn nghe một lời bình hoặc đơn giản là một câu cảm thán về con người và mảnh đất phồn hoa đô hội Sài Thành này, chúng ta hãy gặp gỡ hoặc tìm hiểu những tác phẩm của Nhà văn Phạm Công Luận – người không chỉ là dân Sài Gòn “chính gốc”, mà còn là tác giả của hàng loạt ấn bản sách viết về Sài Gòn nói chung và người Sài Gòn nói riêng.

Vậy nên, hãy đến Sài Gòn để cảm nhận cái hào phóng, khoáng đạt và dung dị, dù hiện nay cuộc sống đã đổi thay, phố xá khang trang hơn, người người ồn ã hơn nhưng tình đất và người Sài Gòn vẫn thế. Mới đến có thể bạn không thích, nhưng“khi ở lâu, Ta lại không nỡ rời xa”, để họ lại trở thành một phần của Sài Gòn và tiếp tục  làm những việc như người Sài Gòn đã từng làm!

Chia sẻ ngay trên các MXH sau để tạo tín hiệu tốt cho bài viết :)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *