Cô bán cơm dễ thương hết sức ở Sài Gòn: “10 ngàn cũng bán, khách nhiêu tiền cũng có cơm ăn”

co-ban-com-de-thuong-het-suc-osai-gon

Một dĩa cơm có giá 25.000 đồng, nhưng cô bán vé số, chú chạy xe ôm chỉ có 10.000 đồng cũng được ngồi vào bàn ghế ăn uống như những thực khách khác. Hết 80\% khách ở cái tiệm bé xíu này là người lao động nghèo, thế nên chị Trinh luôn thấu hiểu những khó khăn của họ.

Trưa nắng, ông già bán vé số đứng đắn đo trước quán cơm. Ngó chừng bụng đã đói cồn cào, ông già nửa ngỏ ý nửa dè chừng:

– “Cô ơi! Cô bán tui dĩa cơm, nhưng tui chỉ có 10 ngàn thôi!“.

Không trả lời trả vốn, chị Trinh chạy vội ra đón ông già ngồi vào bàn. “10 ngàn cũng bán, có tiền là có cơm. Chú ngồi chờ xíu, tui đem cơm ra ăn rồi tranh thủ đi bán. Mấy nay trời nắng ác chiến, sao chú không kiếm cái nón đội lỡ bệnh là mệt lắm à!”.

Quán cơm ấm tình người gần 20 năm ở Sài Gòn: Nhiêu tiền cũng bán!

Gọi là quán cho sang, chứ thật ra quán cơm của chị Trinh (46 tuổi, người Sài Gòn) chẳng biển hiệu hay có mặt bằng gì sang trọng, chỉ đơn sơ một vài chiếc bàn ghế nhựa đặt dưới chiếc ô đã ngả màu thời gian bên trong con hẻm nhỏ.

Ngót nghét cũng gần 20 năm từ ngày chị Trinh bắt đầu công việc bán cơm này, khách hàng của chị đa phần là người lao động có thu nhập thấp. Họ là những anh thợ hồ, những chú công nhân hay bác xe ôm, cô vé số… những con người mà cái ăn, cái mặc phải đong đếm từng ngàn.

Thế nên cái quán nhỏ đơn sơ của chị Trinh bao năm qua trở thành địa điểm thân quen của biết bao con người khốn khó. Ở khu vực trung tâm thành phố này để tìm được một tiệm cơm với giá bình dân không phải chuyện đơn giản. Kinh doanh thì chỗ nào cũng vậy, có đủ tiền thì vào ăn, không đủ tiền thì mời đi nơi khác. Thế mà ở quán của chị, 5 ngàn, 10 ngàn, hay không có ngàn nào đều được chị tiếp đãi như thượng khách.

Chị đon đả hỏi anh thợ hồ nhiêu đây cơm đủ chưa, chưa đủ thì để chị xới thêm, rồi đồ ăn nhiêu đây vừa chưa hay để chị thêm miếng thịt. Chị cười hì hì với mấy anh thợ áo quần còn lấm lem bùn cát như thể người thân trong nhà. Bán buôn bao nhiêu năm, chị nhớ luôn nết ăn của từng vị khách. “Mấy ông thợ hồ làm cực nên phải cho thêm cơm, đồ ăn nhiều một chút để lỡ chiều đói thì tội nghiệp. Mấy ông sơn tường thì ăn ít hơn. Mấy cô phụ nữ thì cho nhiều rau, ít cơm” – chị liệt kê răm rắp thói quen ăn uống của từng khách.

Đó là chưa kể mấy cô bán vé số phải nuôi con nhỏ ở nhà, chị phải xới nhiều cơm, rồi cho thêm bịch cơm thêm để về mấy mẹ con chia ra ăn. Chị kể: “Em nghĩ coi 3 mẹ con mà ăn có 1 hộp cơm thì sao mà no. Thành ra mẹ phải ăn ít lại để phần cho con, mà đi bán vé số cả ngày ngoài trời mệt lắm chứ bộ, nên lúc nào chị cũng cho thêm cơm để mấy mẹ con no thêm một chút. Kệ đi, mình cũng nghèo nhưng nhiều người còn nghèo hơn mình”.

Nghĩ vậy nên thương, rồi nhiều lúc thấy ai khó khăn quá chị mời cơm luôn khỏi tính tiền. Hay như mỗi lần bán xong mà còn dư cơm canh, chị để mọi người tự vào lấy cơm chan canh mà ăn, không lấy tiền. “Còn cơm còn canh thì để mọi người ăn có mất mát gì đâu, chứ mình đem bỏ cũng mang tội mà em” – chị nói nghe nhẹ như không.

Cũng từng phải bươn chải buôn gánh bán bưng ngoài vỉa hè, góc chợ thế nên chị hiểu những vất vả của người lao động, hiểu rồi thương nên chẳng bao giờ chặt chém hay tính toán so đo với khách. Có lần mấy anh thợ hồ ăn xong rồi đứng dậy đi luôn quên trả tiền mà chị Trinh cũng không để ý, một hồi sau mấy ảnh lật đật chạy lại nói: “Chết! Nãy em quên trả tiền cơm”.

Chị cười với tôi: “Đó em thấy hông, quên là người ta tới trả liền hà chứ đâu có lừa lọc nhau chi mấy chục ngàn”.

Chia sẻ ngay trên các MXH sau để tạo tín hiệu tốt cho bài viết :)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *