Chuyện cô gái quên ví gặp anh bán dừa dễ thương và câu cửa miệng: “Bữa nào ghé trả cũng được” của người Sài Gòn

chuyen-co-gai-quen-vi-gap-anh-ban-dua

Câu chuyện đáng yêu của cô nhân viên văn phòng quên đem ví và anh bán dừa tốt bụng ở Sài Gòn khiến không ít người mỉm cười vì những điều tốt lành trong cuộc sống và bất chợt nhận ra trước giờ Sài Gòn vẫn mang trong mình một đặc sản: “Không sao đâu, bữa nào ghé trả cũng được”.

Chuyện cô gái quên ví và anh bán dừa dễ thương

Mới đây trên mạng xã hội, một bạn trẻ có nickname là Lan Khuê đã chia sẻ câu chuyện thú vị về “tai nạn bất đắc dĩ” vào một buổi sáng nọ ở Sài Gòn. Tình huống ngặt nghèo nhưng lại vô cùng dí dỏm khiến không ít người tỏ ra thích thú cũng như mến mộ tính tình dễ thương của nhân vật chính được kể trong câu chuyện. Lan Khuê chia sẻ:

“Đi trên đường Vạn Kiếp (Bình Thạnh), thấy xe chở dừa cắm cái bảng viết tay “dừa xiêm 7000đ”, mình vô mua 2 trái. Lúc mở túi tìm hoài cái bóp không có, hốt hoảng. Biết bỏ quên tiền ở nhà chứ không mất, nhưng dừa đã chặt rồi, sáng sớm mở hàng vầy có bị mắng mỏ không? Chà chà.

Bán dừa là một thanh niên, lởi xởi: Bữa nào ghé trả cũng được. Mình bất ngờ, bối rối. Thanh niên trẻ đang luôn tay chặt dừa cho 2, 3 người chờ, nói mà không cần nhìn mặt mình luôn (thật ra mình đang đeo khẩu trang, có nhìn cũng không ghi nhận được gì): Thôi…

Thái độ đó làm mình không tiện dài dòng cảm kích. Nên mình chỉ nhẹ bâng “cho thiếu nghen” rồi chạy đi. Vô công ty, uống nước dừa ngọt lịm, cứ phải nhủ lòng “nhớ trả tiền cho người ta, nhớ!” vì tính mình hay quên.

Sáng nay chạy qua đoạn BV Ung bướu (Nơ Trang Long, Bình Thạnh) thoáng thấy xe dừa đúng người bán là thanh niên đó, mình vòng trở lại. Mình nói cho trả tiền bữa thiếu với lại lấy thêm trái nữa. Anh ta dừng tay ngó mình (cũng mang khẩu trang) chớp mắt, cười một cái, lấy tiền đúng 20k. Mình vờ móc điện thoại xem để chụp trộm tấm hình. Rồi chạy đi, không ai dài dòng gì hết”.

Câu chuyện chẳng dài dòng, nhưng đủ khiến người ta mỉm cười vì những tốt lành nhỏ xinh nơi phố thị này. Anh chàng bán dừa còn chẳng cần biết tên hay nhớ mặt cô khách quên ví, nhưng vẫn niềm nở cho cô thiếu. Rất có thể cô gái sẽ quên quay lại trả tiền cho anh bán dừa, như việc cô quên chiếc ví nhỏ xinh ở nhà, thế nhưng chuyện đó chẳng làm anh bận tâm, vì đơn giản người Sài Gòn vẫn hay thoáng và đặt niềm tin vào những người lạ như thế. 

Cuối cùng thì cô gái đã quay trở lại, như bao người Sài Gòn bữa trước còn gãi đầu “cho thiếu nghen” thì bữa sau lại như lục tung cái thành phố lên để tìm được người bán thiếu cho mình. Bởi người Sài Gòn trọng chữ tín, và bởi họ luôn tin những điều tốt đẹp thì sẽ khó phai trong lòng.

Câu chuyện của Lan Khuê hẳn là không hiếm gặp ở đất Sài Gòn. Nhiều bạn trẻ ở Sài Gòn cũng được một phen trải lòng về những mẩu chuyện đáng yêu về đặc sản “Bữa sau ghé trả cũng được” của người Sài Gòn.

Bạn có nickname Vy Vy kể: Hôm trước mình đi làm sáng và cũng quên mang ví. Ghé vô mua bánh mì của chú gần ngã tư Cao Thắng với Minh Khai nói chú bán ổ bánh mì mà tìm không thấy ví. Chú nhìn qua rồi nói nghe mà cảm động: “Con gái lấy đi có mà ăn rồi đi làm. Mày không lấy rồi đi làm nhịn ăn à. Mai đi ngang ghé trả chú. Mấy người như con đừng có ngại”. Lúc đó mừng vì không mang tiền nhưng may có được bữa sáng, hôm sau mang tiền trả chú chú còn không nhớ thiếu khi nào. Sài Gòn dễ thương”.

Hay một bạn có nickname Hồ Anh kể: “Sáng tui cũng mua chè, 2 bịch to, đưa đồng 500k, cô không đủ thối, cô kêu cầm về mà ăn khi nào ghé đưa cũng được, tui chạy đi đổi ngay tiền trả cô”.

“20k không làm mình giàu thêm mà cũng không làm mình nghèo đi. Xởi lởi trời cho, so đo trời lấy”, một bạn đọc đã bình luận như thế cho câu chuyện 20k của anh bán dừa kể trên.

Thiệt ra lúc nói: “Bữa sau ghé trả cũng được” người ta chẳng biết cái “bữa sau” đó là cái bữa nào, ngày mai, ngày mốt, ngày kia, hoặc quên luôn không trả. Nhưng cũng không ai tính toán làm gì.

Đằng sau câu nói thân tình ấy luôn là một câu lý giải rất Sài Gòn: “Giàu tiền trăm tiền triệu chứ tao đâu có giàu vì mấy chục ngàn”. Vậy đó, người ta nói dân Sài Gòn giàu dữ lắm, giàu tình giàu nghĩa dữ lắm!

Chia sẻ ngay trên các MXH sau để tạo tín hiệu tốt cho bài viết :)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *